TÍNH NĂNG
- Tra cứu Quy hoạch Hà Nội trực tiếp trên thiết bị di động, xác định vị trí hiện trạng qua GPS.
- Công cụ trực quan giúp so sánh giữa lớp dữ liệu nền hiện trạng và lớp dữ liệu quy hoạch.
- Bản đồ nền: Google (vệ tinh, giao thông), HERE maps (vệ tinh, giao thông), OpenStreeMaps.
DỮ LIỆU
GÓI DỊCH VỤ
CẬP NHẬT


Đổi mới quy hoạch xây dựng đô thị về tầm nhìn dài hạn sẽ từng bước hạn chế tình trạng phát triển theo xu hướng dàn trải, khai thác quỹ đất không có định hướng rõ ràng dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn đất dự trữ phát triển, đặc biệt quỹ đất dành cho các lĩnh vực giáo dục, cây xanh, thể thao, vui chơi giải trí và các phúc lợi xã hội. 

KTS. Trần Thị Lan Anh (Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng) chỉ ra kinh nghiệm quy hoạch đô thị tại Australia là quá trình từ dưới lên trên, quy hoạch bắt đầu từ cấp chính quyền địa phương, có sự tham gia, tham vấn của chính quyền cấp cao đảm bảo sự phối hợp cần thiết giữa các cơ quan có liên quan tại địa phương.  

Để kiểm soát phát triển, sau bản quy hoạch chiến lược, thực hiện lập quy hoạch cấu trúc chỉ ra các yêu cầu quản lý sự thay đổi về sử dụng đất. Các địa phương dựa trên kinh nghiệm của mình để tổ chức lập quy hoạch chiến lược cho toàn bộ đô thị và lập quy hoạch cấu trúc cho từng phần khu vực, sự can thiệp của Chính phủ vào quy trình quy hoạch ở Australia là không đáng kể. 

Đồ án quy hoạch tại địa phương được lập làm cơ sở để cấp phép quy hoạch, các khu thực sự có nhu cầu đầu tư xây dựng cải tạo chỉnh trang, xây dựng mới tổ chức lập quy hoạch cấu trúc làm cơ sở cấp phép quy hoạch và lập hồ sơ dự án phát triển đô thị. Đơn xin cấp phép được xem xét khi thỏa mãn các điều kiện về quy hoạch chiến lược, quy hoạch cấu trúc và không làm ảnh hưởng đến xung quanh.

Đồ án quy hoạch đô thị được duyệt là công cụ pháp luật để phổ biến rộng rãi cho công chúng, cộng đồng, doanh nghiệp và các bên liên quan thực hiện. Việc cấp phép quy hoạch là một quy trình mở tạo tính linh hoạt tối đa cho nhà đầu tư cũng là công cụ hữu hiệu để tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.

Còn ở Nhật Bản, quy hoạch đô thị là 1 bản quy hoạch chiến lược phát triển hay cải tạo nâng cấp chung cho đô thị, rất nhiều dự án mấu chốt được xác định tại bước quy hoạch chung đô thị. Tuy nhiên, quy hoạch đô thị thường chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi quy hoạch giao thông, đặc biệt tuyến đường sắt cao tốc và sự gắn kết các loại hình giao thông thủy bộ, hàng không.

Quan điểm phát triển bền vững quy hoạch các thành phố của Nhật Bản thường được xem xét cả quy hoạch cứng và quy hoạch mềm. Phần cứng là xây dựng hạ tầng cả kỹ thuật và xã hội cho đô thị, phần mềm là chuẩn bị chất lượng dân cư, môi trường sống cho người dân đô thị.

Quy hoạch vùng là quy hoạch chung được xem là công cụ pháp luật quan trọng, đươc chuyển thành các chương trình dự án cụ thể, quảng bá xúc tiến đầu tư nên sau khi hoàn chỉnh sẽ được công bố rộng rãi, đặc biệt về quy hoạch sử dụng đất đô thị và quy hoạch hạ tầng cơ sở, các chương trình, chính sách và những nguyên tắc phát triển để các nhà đầu tư và nhân dân tham gia thực hiện.

Tại Việt Nam, thực tế cho thấy các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh có tính hiệu lực không cao, hệ thống đô thị hình thành và phát triển theo hướng dàn hàng ngang, tăng về số lượng đô thị, trong khi chất lượng chưa đảm bảo tiêu chuẩn quy chuẩn thiết kế, dự báo trong của các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thường không chính xác, dễ bị phá hỏng, phải điều chỉnh.

Về nguyên tắc quy hoạch xây dựng, quy hoạch chung đô thị đã được lập trên cơ sở tiếp cận đa ngành và quy hoạch chung đô thị có ảnh hưởng mạnh nhất đến quá trình phát triển của từng đô thị nhưng còn thiếu hiệu quả, chưa phù hợp thực tế phát triển tại địa phương.

Để các quy hoạch có hiệu quả hơn, quy hoạch cần có tính chiến lược, ít cứng nhắc và quan trọng cần dựa trên nguồn lực thực tế của địa phương và phải tính tới các rủi ro, thách thức phải chống chịu để có tính khả thi cao hơn.

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, sự phát triển quá nhanh có phần thiếu kiểm soát về quy mô, ranh giới đô thị khiến cho cấu trúc đô thị có phần bất ổn. Nhiều khu vực trước đó được xác định thuộc ngoại vi như các khu công nghiệp, khu xử lý chất thải, nghĩa trang, tuyến đường sắt nay cũng bi bao vây bởi các khu vực phát triển đô thị mới.

Đô thị phát triển theo xu hướng dàn trải, thấp tầng, sử dụng tỷ lệ lớn đất đai dành cho chức năng ở. Việc khai thác quỹ đất không có định hướng rõ ràng dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn đất dự trữ phát triển, đặc biệt quỹ đất dành cho các lĩnh vực giáo dục, cây xanh, thể thao, vui chơi giải trí và các phúc lợi xã hội.

Vì vậy, quy trình và nội dung quy hoạch cần đổi mới theo hướng lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển đô thị xanh. Đồng thời phải nâng cao năng lực lập và thực hiện các quy hoạch cho các đơn vị quy hoạch để các cơ sở này có thể lập các phương án quy hoạch có nội dung khả thi, tầm nhìn dài hạn, đáp ứng nhanh kế hoạch triển khai quy hoạch phát triển đô thị.

Hà Đào 

(Báo Xây dựng) 

Hệ thống quy định pháp luật quản lý công trình cao tầng

Sau khi đất nước thống nhất, Nhà nước bắt đầu bãi bỏ chính sách bao cấp về nhà ở, thay vào đó là các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tự cải thiện nhà ở. Năm 1992 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 118/TTg bãi bỏ chế độ phân phối về nhà ở và đưa tiền phụ cấp về nhà ở vào tiền lương. Cùng với chính sách xóa bỏ bao cấp về nhà ở, Nhà nước triển khai bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, góp phần tạo nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở và thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và các đối tượng xã hội như: lực lượng vũ trang, sinh viên, người có công với cách mạng…  

Phù hợp với tiến trình phát triển, Nhà nước thông qua Luật Nhà ở để quản lý nhà ở. Năm 2005, Luật Nhà ở ra đời, muộn hai năm so với Luật Đất đai (2003) đã củng cố toàn diện về mặt pháp lý đối với quản lý nhà ở. Nhà nước có kế hoạch phát triển nhà ở trong đó tập trung xây dựng các khu chung cư trong các khu đô thị – là một trong các chiến lược quan trọng trong phát được chuyển hướng thành xây dựng các khu nhà ở với phát triển đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội và công trình hạ tầng kỹ thuật được gọi là các khu đô thị mới. Ý tưởng này được hình thành từ giữa thập niên 90 mà khởi đầu bằng KĐT Linh Đàm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là KĐT Phú Mỹ Hưng. Ngày 15/06/1997 khu đô thị mới Linh Đàm chính thức được khởi công xây dựng. Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà và đô thị (HUD) thuộc Bộ Xây dựng là đơn vị doanh nghiệp nhà nước đầu tiên thực hiện ý tưởng này. 

Ngày 05/01/2006, sau 9 năm thực hiện các dự án thí điểm khu đô thị mới, Chính phủ ban hành Nghị định 02/2006/NĐ-CP về Quy chế khu đô thị mới, chính thức pháp quy hóa việc phát triển đô thị theo các dự án khu đô thị mới mà chủ yếu là xây dựng nhà chung cư. 

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế, xu thế nhà cao tầng đang nở rộ tại các đô thị Việt Nam. Qui mô cũng như số tầng cao ngày càng tăng. Tuy nhiên, công tác quy hoạch và quản lý đô thị của Việt Nam còn nhiều bất cập. Số lượng những khu đô thị mới đạt chuẩn còn rất hạn chế, trong khi đó lại xuất hiện nhiều dự án nhà cao tầng vì lợi ích kinh tế, xây chen lấn chất tải lên hạ tầng kỹ thuật hiện có…. Dịch vụ tiện ích trong các khu nhà ở cao tầng cũng là một vấn đề cần bàn đến. Chất lượng kết cấu hạ tầng tại các đô thị vẫn còn thấp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Vấn đề về cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, thoát người khi có sự cố cũng là một vấn đề nhức nhối đối với nhà ở cao tầng tại các đô thị Việt Nam trong những năm gần đây.

Bên cạnh một số ít các nhà ở cao tầng thành công, còn rất nhiều công trình được xây lên thuần túy chạy theo lợi nhuận, không chú trọng đến chất lượng sống, môi trường vi khí hậu, trở thành những cỗ máy tiêu thụ năng lượng đáng báo động. Nhiều nhà ở cao tầng tại các đô thị Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ sự đi lại, giao lưu trong cộng đồng, các hoạt động giải trí, thể thao… khiến cho con người sống trong đó có cảm giác thiếu thốn, ngột ngạt… Vấn đề vi khí hậu cho các căn hộ chưa được giải quyết tốt, khoảng cách giữa con người với thiên nhiên ngày càng xa cách bởi không gian xanh hiếm hoi dần bị lấp đầy bởi kính và bê tông.

Về chính sách phát triển nhà ở, theo quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại các đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) đạt trên 90%, đô thị từ loại 1 đến loại 2 đạt trên 60%, đô thị loại 3 đạt trên 40% tổng số đơn vị nhà ở xây dựng mới.

Theo các khái niệm hiện nay về nhà cao tầng và nhà ở chung cư thì phần lớn nhà cao tầng hiện nay là nhà ở chung cư, với các chức năng khác nhau. Nếu so sánh với hệ thống phân loại tại các nước phát triển như Singapore, Hoa Kỳ sẽ bao gồm nhà ở cao tầng (Residence) và các loại công trình cao tầng phi nhà ở hoặc chức năng hỗn hợp (Non – Residence).

Trên cơ sở đó, các địa phương ban hành quyết định riêng, cụ thể hóa các mục tiêu theo quyết định số 2127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hà Nội thông qua Nghị quyết số 05/2013/NQ-HĐND ngày 12/07/2013 của Hội đồng nhân dân Thành phố về Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030.

Trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, chính quyền Thành phố triển khai xây dựng nhà ở trong đó có nhà ở cao tầng và các loại nhà có chức năng sử dụng khác.

Hiện nay, nhà ở cao tầng đã bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều hình thức phong phú đa dạng. Từ các chủ đầu tư với các phương án thiết kế trong nước đến ngoài nước, từ các doanh nghiệp nhà nước đến doanh nghiệp tư nhân đầu tư… Chất lượng xây dựng cũng có sự thay đổi phụ thuộc vào tiêu chuẩn thiết kế được sử dụng và các nhà thầu xây dựng.

Nội dung quy định pháp luật về quản lý công trình cao tầng nội đô

Về khái niệm nhà ở cao tầng, theo TCXDVN 323:2004 “Nhà ở cao tầng – Tiêu chuẩn thiết kế” nhà ở cao tầng là loại nhà ở, căn hộ có chiều cao từ 9 đến 40 tầng (trên 40 tầng thường gọi là nhà chọc trời). QCVN 06:2010/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình phân định nhà cao tầng thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng có chiều cao lớn hơn 50m và 70m phải có giải pháp riêng được cơ quan PCCC thẩm định phê duyệt. Đầu năm 2013, Bộ Xây dựng ra Quyết định 212 hủy bỏ 169 tiêu chuẩn xây dựng trong đó có TCXDVN 323:2004 “Nhà ở cao tầng – Tiêu chuẩn thiết kế”, chỉ giữ lại 20 tiêu chuẩn được cho là phù hợp trong giai đoạn hiện nay, đến nay vẫn chưa có tiêu chuẩn thay thế.

Về khái niệm nhà chung cư, QCVN 03:2012/BXD quy định là nhà ở hai tầng trở lên có lối đi, cầu thang và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho nhiều căn hộ gia đình, cá nhân. Nhà ở chung cư thực tế thường là nhà cao hơn 9 tầng thuộc loại nhà ở cao tầng.

Nhà cao tầng được xây dựng lồng ghép trong kế hoạch phát triển nhà ở (theo số m2 sàn được cấp phép xây dựng), bị khống chế về chiều cao theo các chỉ tiêu và tiêu chí của QCXDVN như MXD, HSDĐ, tầng cao, khoảng lùi v.v… Tuy nhiên nhà cao tầng không được thống kê và phân loại riêng, nó được xây dựng theo quy trình đầu tư xây dựng cơ bản thông thường tuân theo quy định pháp luật về quy hoạch, kiến trúc của Trung ương mà quan trọng nhất là quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng và các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc của địa phương.

Tại Hà Nội, trước khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, năm 1998 Thủ tướng đã ký Quyết định 108/1998/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã có định hướng chung về kiến trúc cảnh quan và quy hoạch sử dụng đất.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, xây dựng nhà cao tầng đã trở thành vấn đề nổi cộm tại khu vực nội đô thành phố do các vấn đề về quá tải hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội và ùn tắc giao thông.

Chính phủ đã có chỉ đạo sát sao vấn đề này. Trong giai đoạn nghiên cứu lập đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 348/TB-VPCP ngày 9/12/2009 thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Thông báo 202/TB-VPCP vào ngày 19/7/2010 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp thường trực Chính phủ về việc xây dựng công trình cao tầng trong 04 quận nội thành, theo đó xây dựng nhà cao tầng phải theo các nguyên tắc sau:

– Xây dựng nhà cao tầng phải được giám sát chặt chẽ theo nguyên tắc và quan điểm quản lý không gian: tuân theo quy chuẩn quy hoạch xây dựng; quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị bảo đảm phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, phù hợp điều kiện hạ tầng kiến trúc và hạ tầng xã hội trong khu vực.

– Đối với các dự án đã được Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch trước ngày 09/12/2009 được xem xét và quyết định theo thẩm quyền.

Trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Sở QHKT Hà Nội đã phân loại dự án tính tới thời điểm trước ngày 9/12/2009; từ ngày 9/12/2009 đến ngày 31/12/2009 và các dự án sau thời điểm trên dựa trên bản đồ phân vùng kiểm soát. Phân vùng kiểm soát được chia thành các vùng: vùng không xây dựng cao tầng, vùng kiểm soát đặc biệt và vùng phát triển hạn chế. Các vùng này được xác định đối với các tuyến phố cụ thể.

Để quản lý kiến trúc cảnh quan khu vực nội đô lịch sử, Hà Nội được phân chia thành 7 khu vực từ A1 – A7:

  • A1: khu trung tâm chính trị Ba Đình
  • A2: khu hoàng thành Thăng Long
  • A3: khu phố cổ
  • A4: khu phố cũ
  • A5: khu vực Hồ Gươm và phụ cận
  • A6: khu vực Hồ Tây và phụ cận
  • A7: khu hạn chế phát triển (bao gồm các chung cư cũ).

– Ngày 24/10/2013, TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6398/2014/QĐ-UBND Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội;

– Ngày 12/9/2014, TP Hà Nội ban hành Quyết định số 70/2014/QĐ-UBND Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung TP Hà Nội;

– Ngày 13/8/2015, TP Hà Nội ban hành Quyết định số 24/2015/QĐ-UBND Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội.

Các Quyết định trên về cơ bản là quản lý quy hoạch kiến trúc chung Thành phố, trong đó có quản lý, kiểm soát xây dựng nhà cao tầng. Các quyết định chỉ rõ MXD, HSDĐ, và tầng cao cho từng ô phố.

Trước khi có các quyết định trên, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết các quận nội thành Thành phố, đó là:

– Quyết định số 96/2000/QĐ-UB ngày 07/11/2000 phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm;

– Quyết định số 68/2000/QĐ-UB ngày 14/07/2000 phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Ba Đình;

– Quyết định số 32/2000/QĐ-UB ngày 03/04/2000 phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Đống Đa;

– Quyết định số 16/2000/QĐ-UB ngày 14/02/2000 phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Hai Bà Trưng.

Ngoài ra, khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận phải tuân theo các Quyết định số 448 BXD/KT-QH ngày 03/08/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận; Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và phụ cận số 45/QĐ-UB ngày 06/01/1997; Quyết định số 45/1999/QĐ-UB ngày 04/061999 quy định quản lý bảo tồn khu phố cổ.

Tuy nhiên, thống kê số lượng các dự án xây dựng công trình cao tầng, có thể thấy số lượng các dự án xây dựng nhà cao tầng nằm tại khu phố cũ, phố cổ là khá nhiều (khu vực nội đô lịch sử). Với các dự án nhà ở có thể tính được thông qua việc tăng dân số, đối với những dự án có các chức năng khác, nhất là các trung tâm thương mại khó tính được dân số cụ thể, thực tế những dự án loại này thường kéo theo lượng dân cư lớn và khó kiểm soát.

Trước tình hình trên, để cụ thể hóa việc quản lý xây dựng các công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử theo đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội có hiệu lực về mặt pháp lý, ngày 07/04/2016 UBND Thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử. Quy chế có một số nguyên tắc sau:

– Cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng tại các vị trí: 2 bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, điểm nhấn đô thị.

– Cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng theo hướng giảm dần tầng cao từ đường vành đai 2 vào trung tâm Thành phố.

Như vậy trước và sau khi Quyết định 11/2016/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội ra đời, tình hình xây dựng nhà cao tầng vẫn diễn biến phức tạp, rất nhiều dự án xây dựng trong khu vực nội đô lịch sử bao gồm 04 quận nội thành cũ với các chức năng văn phòng, thương mại, chức năng hỗn hợp, tuy nhiên đã không tính toán đúng chỉ tiêu dân số, chỉ tiêu diện tích sàn và một số chỉ tiêu khác nên nhiều dự án hiện nay tuy đã có đầy đủ giấy phép nhưng Thành phố tạm dừng triển khai ví dụ như dự án D’ San Raffles địa chỉ 22 – 24 phố Hàng Bài Hoàn Kiếm, khách sạn Oriental Luxury 22 – 32 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm.

Nhiều khu chung cư cao tầng được cấp phép xây dựng vi phạm quy định hiện hành về quy mô dân số, chiều cao hoặc quy chuẩn tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy như các khu chung cư 148 Giảng Võ, khu chung cư Mường Thanh,… một số tuyến đường dày đặc nhà cao tầng như tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu.

Hoàn thiện hệ thống pháp lý quản lý công trình cao tầng khu vực nội đô

Qua điều tra, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến xây dựng nhà cao tầng, có thể nhận thấy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều tiết xây dựng phát triển nhà cao tầng nhiều nhưng thiếu, bởi sự phức tạp liên ngành liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đất đai nhà ở và quy hoạch đô thị, các tiêu chuẩn – quy chuẩn v.v…Tuy nhiên, trong nhóm tiêu chuẩn – quy chuẩn, tiêu chuẩn 323 về xây dựng nhà cao tầng là một trong số những tiêu chuẩn quan trọng liên quan chặt chẽ tới xây dựng nhà cao tầng đã bị hủy bỏ và hiện nay chưa có tiêu chuẩn thay thế. Trong tiêu chuẩn có định nghĩa thế nào là nhà cao tầng? Đây là một khoảng trống pháp lý vì cho đến thời điểm hiện tại Việt Nam không có định nghĩa rõ ràng về nhà ở cao tầng.

Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01:2008/BXD là quy chuẩn quan trọng nhất liên quan đến kiểm soát phát triển nhà cao tầng, trong đó có quy chuẩn về mật độ xây dựng, tầng cao, giao thông, bãi đỗ xe v.v… Tuy nhiên QCXDVN 01:2008/BXD đã không còn hệ số sử dụng đất, các quy định bắt buộc về mật độ dân số thì không rõ, điều này đặt ra những kẽ hở luật pháp khi thực hiện xây dựng các công trình cao tầng sau này.

Hiện nay, thực tế cho thấy hiện tượng “bùng nổ” xây dựng các tổ hợp cao tầng hỗn hợp tại khu vực trung tâm nội đô lịch sử các đô thị. Tuy vậy, đây là loại hình công trình quy mô lớn có mức độ tập trung người sử dụng cao (đặc biệt là tại các giờ cao điểm), là một trong những nguyên nhân gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông đô thị. Hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn – tiêu chuẩn còn chưa đề cập rõ các vấn đề trên. Do vậy cần có thêm các nghiên cứu tính toán quy định rõ các chỉ tiêu – tiêu chí với loại hình công trình cao tầng này.

Cần hoàn thiện hệ thống các tiêu chí – chỉ tiêu quản lý xây dựng công trình cao tầng nội đô trên cơ sở tính toán và định vị rõ khả năng chịu tải của hệ thống giao thông đô thị với từng khu vực cấp phép. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển đi trước cho thấy, quy định bắt buộc thực hiện nội dung Đánh giá tác động giao thông trong các quy trình quản lý cấp phép công trình cao tầng khu vực nội đô đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực đối với sự phát triển ổn định và bền vững của đô thị./. 

TS Lý Văn Vinh – Viện Kiến trúc Quốc gia 

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) 

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5804/QĐ-UBND, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A cũ), quận Hoàng Mai.

Theo quyết định, xây dựng hầm chui theo hướng đường vành đai 2,5 nối đường Đầm Hồng - Giáp Bát (chui ngầm qua đường Giải Phóng) với đường Kim Đồng; tổng chiều dài hầm và đường dẫn khoảng 600m; xây dựng các trụ nổi chờ cho tuyến đường sắt đô thị số 4 dự kiến đi trên cao; xây dựng đường hai bên hầm, nút giao trên mặt bằng với đường Giải Phóng; xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ khác... Tổng mức đầu tư các hạng mục công trình này là hơn 671,6 tỷ đồng từ ngân sách TP. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2019 - 2020.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cập nhật quy hoạch chi tiết hai bên đường để đảm bảo khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật của dự án với hạ tầng kỹ thuật hai bên đường theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khảo sát kỹ hiện trạng khu vực, việc di chuyển và đấu nối các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm và nổi thuộc dự án (nếu có) với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung thuộc khu vực xung quanh dự án phải được sự thỏa thuận của cơ quan quản lý chuyên ngành theo quy định, đảm bảo khớp nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật khu vực và các dự án lân cận.

Việc GPMB, chủ đầu tư phối hợp với UBND quận Hoàng Mai kiểm tra, rà soát, lập kế hoạch thu hồi, sử dụng phù hợp các mảnh đất xen kẹp; đồng thời đề xuất giải pháp xử lý, giải quyết các công trình xây dựng hiện trạng có kích thước hình học không phù hợp đoạn qua khu dân cư ở sát hai bên chỉ giới đường đỏ của tuyến đường, đảm bảo trật tự văn minh đô thị...

Nguồn: Kinhtedothi

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6001/QĐ-UBND, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 419 trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Theo quyết định, cải tạo, chỉnh trang tỉnh lộ 419 trên địa bàn huyện Chương Mỹ đoạn từ cống Thủy Lợi đến đường vào cầu Hạ Dục, cụ thể: Chiều rộng nền đường 12m, chiều rộng mặt đường 9m; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và bóng đèn chiếu sáng theo công nghệ LED... Tổng mức đầu tư các hạng mục công trình này là gần 343,2 tỷ đồng từ ngân sách TP.

Thời gian thực hiện dự án năm 2018 - 2020 nhằm tạo tuyến đường hạ tầng kỹ thuât hoàn chỉnh, kết nối Quốc lộ 6, Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32 và đường tỉnh 429, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng cường năng lực đảm bảo an ninh, quốc phòng.

UBND huyện Chương Mỹ (đơn vị được TP giao làm chủ đầu tư) chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác, tính pháp lý của hồ sơ trình phê duyệt. Có trách nhiệm tiếp thu toàn bộ các ý kiến thẩm định, góp ý của đơn vị có liên quan và ý kiến thông báo kết quả thẩm định dự án của Sở GTVT Hà Nội tại Văn bản số 7214/SGTVT-KHTC ngày 30/10/2018.

Trong quá trình thực hiện các trình tự, thủ tục kế tiếp theo quy định của pháp luật về xây dựng, về lựa chọn nhà thầu và các văn bản pháp luật liên quan. Tổ chức quản lý, thực hiện dự án theo các quy định hiện hành của nhà nước và UBND TP về quản lý đầu tư xây dựng; sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo chất lượng công trình, đáp ứng tiến độ được phê duyệt.

Tổ chức tốt biện pháp thi công, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông cho người và phương tiện trong quá trình thi công công trình, có phương án hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu vực lân cận, xung quanh dự án.

Nguồn: Kinhtedothi

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, UBND TP đã giao cho 20 đơn vị triển khai lập quy hoạch 29 chung cư cũ trên địa bàn TP, để đề xuất các cơ chế, chính sách thực hiện trong thời gian tới.

Theo đó, trong số 29 khu chung cư cũ đã có môt khu được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và giao chủ đầu tư; một khu đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình, sau khi nhà đầu tư đã báo cáo UBND TP; 05 khu đã được UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành, tổ chức kêu gọi nhà đầu tư;

03 khu đang triển khai thực hiện nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt và đã cơ bản hoàn chỉnh đồ án quy hoạch; 16 khu chung cư cũ đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc, trong có một số khu đã được chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc; 03 khu cần tiếp tục triển khai lập thiết kế ý tưởng quy hoạch, làm cơ sở triển khai lập tổng mặt bằng hoặc lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết, báo cáo UBND TP, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Đối với các đồ án đã được UBND TP tổ chức họp để nghe báo cáo ý tưởng lần 2, UBND TP đề nghị các nhà đầu tư nghiên cứu, nâng cấp 02 phương án trình thẩm định và tham vấn ý kiến của Hội đồng Kiến trúc quy hoạch TP Hà Nội, tiếp thu hoàn chỉnh đồ án, phối hợp UBND các quận và phường có liên quan tổ chức trưng bày công khai phương án nghiên cứu quy hoạch kiến trúc đã hoàn chỉnh tại khu dân cư thuộc địa bàn khu chung cư cũ để cộng đồng dân cư xem và cho ý kiến.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ được xây dựng từ năm 1960 đến 1992. Trong số này, có gần 1.000 chung cư thuộc khu vực hạn chế phát triển, quận Ba Đình có 211 nhà, quận Hoàn Kiếm 99, quận Đống Đa 415 và quận Hai Bà Trưng có 244. Qua đánh giá, xếp loại, thành phố đã lên kế hoạch cải tại, xây mới nhiều chung cư cũ nhưng tiến độ rất chậm do nhiều vướng mắc.

Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, UBND TP Hà Nội đã giao các đơn vị tổ chức triển khai lập, trình phê duyệt các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung cư.
Ông Lê Vinh cho biết thêm, từ nay đến hết năm 2018, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội sẽ tiếp tục hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện ý tưởng các đồ án chung cư cũ để báo cáo UBND TP và xin ý kiến cộng đồng.

Nguồn: Kinhtedothi

Hà Nội đang chịu áp lực về việc cân bằng giữa phát triển hạ tầng giao thông với gia tăng dân số.

Do diện tích đất quy hoạch cho giao thông, đặc biệt ở khu vực lõi của Hà Nội không còn nhiều nên việc tích hợp quy hoạch và ứng dụng quản lý vận hành hệ thống hạ tầng giao thông bằng công nghệ có thể sẽ giải quyết hài hòa vấn đề này.

Quá tải 

Theo Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, hạ tầng giao thông Hà Nội đang phải "gồng mình" phục vụ trên 6 triệu phương tiện đăng ký trực tiếp tại TP và hàng triệu phương tiện giao thông vãng lai. Trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm, tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển giao thông chiếm khoảng 8,65% diện tích đất đô thị và hàng năm diện tích quỹ đất dành cho giao thông tăng chỉ khoảng 1%, đã tạo ra những áp lực lớn cho giao thông của Thủ đô.

Ông Đỗ Việt Chiến - Nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch giao thông chưa được đồng bộ với nhau; hệ thống giao thông công cộng phát triển còn chậm; các khu dân cư tập trung đông với nhiều nhà ở cao tầng là những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng quá tải về hạ tầng giao thông như hiện nay.

"Hà Nội đang hoàn thiện các tuyến đường sắt đô thị, chỉ cần hệ thống xe buýt đô thị hoạt động tốt thì có thể giải quyết được phần nào vấn đề quá tải hạ tầng giao thông." - KTS Nguyễn Đỗ Dũng – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
“Theo quy định thì 60% diện tích đất sẽ dành cho giao thông, đất công cộng, cây xanh và các loại khác, với việc “bùng nổ” dân số như hiện nay sẽ dẫn đến xu hướng tăng diện tích đất ở và làm mất cân bằng với phát triển hạ tầng giao thông. Ngoài ra, Hà Nội còn tồn tại thực tế là các bến xe lớn đang nằm trong trung tâm của TP, là những khu vực có mật độ dân số cao, tạo ra những áp lực lớn về giao thông” - ông Đỗ Việt Chiến khuyến cáo.

Tích hợp trong quy hoạch 

KTS Nguyễn Đỗ Dũng – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, để làm tốt được công tác quản lý, vận hành hệ thống giao thông trong đô thị lõi, vấn đề quan trọng nhất là phải tích hợp quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch giao thông. Quy hoạch sử dụng đất có vai trò quan trọng trong việc thực hành quy hoạch giao thông, hay nói cách khác quy hoạch sử dụng đất chính là quy hoạch giao thông.

“Việc thay đổi mục đích sử dụng đất như hoán đổi từ nhà ở thấp tầng thành nhà ở cao tầng, dẫn đến nhu cầu đi lại trong hệ thống giao thông tăng, trong khi đó hệ thống giao thông vốn bị động chưa thể thay đổi ngay để đáp ứng với nhu cầu mới, kết quả là dẫn đến áp lực lên hạ tầng giao thông. Việc mở rộng đường sẽ làm tốn kém ngân sách và từ việc mở rộng đường sẽ làm cho mật độ xây dựng hai bên đường gia tăng hoặc chuyển nhà ở thành trung tâm thương mại sẽ lại làm gia tăng lưu lượng tham gia giao thông” - ông Nguyễn Đỗ Dũng phân tích.

Để giải quyết vấn đề giao thông trong đô thị lõi, ông Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng không chỉ nên tập trung vào việc mở rộng đường, cách tiếp cận này có thể gây hiệu ứng tiêu cực. Không chỉ thay đổi về sử dụng đất mà tuyến đường mở rộng sẽ thu hút thêm lưu lượng giao thông do tâm lý di chuyển của người dân. Trên thế giới có những đô thị cổ hàng nghìn năm, nhưng một số đô thị đưa ra chính sách “không mở rộng giao thông đường bộ” để đầu tư vào hệ thống đường sắt và giao thông công cộng.

Để giải quyết được vấn đề này cần đa dạng các giải pháp giao thông, như bố trí các công trình công cộng trong bán kính đi bộ từ mọi gia đình, giảm mật độ tại khu vực có giao thông hạn chế, gia tăng các công trình công cộng tại khu vực nhà ga đường sắt, trạm xe buýt để người dân tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

KTS. Nguyễn Đỗ Dũng cũng cho biết thêm, ngoài những giải pháp trên, Hà Nội cần phải xây dựng năng lực quy hoạch, thông qua việc đào tạo chuyên ngành về quy hoạch giao thông, thực tế ngành quy hoạch giao thông ở Việt Nam mới được hình thành chưa lâu. Việc đào tạo nhân lực nghiên cứu tích hợp quy hoạch đô thị trên nền quy hoạch giao thông hay xây dựng quy trình đánh giá tác động giao thông của các dự án sẽ là bước đi quan trọng để xây dựng năng lực quy hoạch giao thông.

Giám đốc Phát triển phân ngành giao thông FPT IS Nguyễn Toàn Thắng phân tích, bên cạnh những giải pháp về xây dựng hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất gắn với phát triển hạ tầng giao thông thì hệ thống giao thông và an ninh công cộng cần phải được định hướng, thiết kế, xây dựng, triển khai và vận hành theo hướng tiếp cận tổng thể của một TP thông minh. Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Xu hướng công nghệ sẽ giữ vai trò tiên phong trong quản lý và vận hành hệ thống giao thông thông minh tại những đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Từ các công nghệ, giải pháp của cơ sở hạ tầng số kết nối được với cơ sở hạ tầng vật lý và môi trường thiên nhiên của đô thị sẽ giúp cho hệ thống được quản lý và vận hành một cách bền vững.

Nguồn: Kinhtedothi

Ths. KTS Đỗ Viết Chiến – Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, Bắc sông Hồng là vị trí “đẹp” hiếm hoi còn lại của Hà Nội, quy hoạch và kế hoạch vì thế phải song hành.

Về mặt lý thuyết, theo vị chuyên gia này, trên cơ sở quy hoạch phân khu 1/2000 đã có. Hà Nội cần lập danh mục cụ thể các dự án đầu tư phát triển đô thị theo 3 nhóm chính. Nhóm 1, dự án có khả năng thu hồi vốn và sinh lời (dự án nhà ở, khu Đô thị mới, văn phòng – khách sạn cho thuê, khu vui chơi giải trí có thu tiền…) nhất thiết tổ chức đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Thực hiện phương châm lấy đô thị nuôi đô thị từ giá trị kinh tế đất do Nhà nước trực tiếp làm thông qua thành lập các Tổng Công ty lớn có chức năng đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch. Hạn chế tối đa chỉ định thầu, chuyển từ cơ chế khoán trắng cho nhà đầu tư được chỉ định thực hiện toàn bộ bước chuẩn bị đầu tư (từ khâu giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật…) và chênh lệch địa tô. Sau khi đất đã đầu tư hạ tầng đương nhiên thuộc về nhà đầu tư.

“Nhóm 2, dự án không có khả năng thu hồi vốn và sinh lời: (công trình phúc lợi công cộng – khu vui chơi giải trí không thu tiền…) cần lập danh mục đưa vào kế hoạch sử dụng vốn đầu tư công. Nhóm cuối gồm dự án nhà nước và dân cùng làm (cho các khu vực làng xóm, dân cư đô thị hóa đã có) xác định rõ ràng nhà nước hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết – đầu tư và kết nối hạ tầng kỹ thuật chính, còn lại các đầu tư khác xác định nhà nước và dân cùng làm để huy động các nguồn lực trong xã hội” – ông Chiến phân tích.

Trên cơ sở công khai các dự án nêu trên, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam gợi ý, Nhà nước tạo điều kiện cho Hà Nội mạnh dạn đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung hoặc thông qua các Tổng Công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu vực phát triển đô thị nhà nước đã thành lập (chuẩn bị quỹ đất sạch: đã giải phóng mặt bằng và có đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho toàn bộ khu vực phát triển đô thị xác định) bằng các nguồn vốn vay lãi suất thấp, vốn huy động từ các chủ đầu tư trong khu vực phát triển đô thị đã được chọn và các nguồn vốn hợp pháp khác mục đích để tạo ra giá trị kinh tế đất (đất đã đầu tư hạ tầng).

“Từ đó suất đầu tư cụ thể cho từng m2 đất đã có hạ tầng. Đồng nghĩa, các chủ đầu tư được chọn nộp cho nhà nước phần kinh phí sử dụng đất có hạ tầng tùy theo quy mô dự án được giao tạo ra nguồn thu lớn cho nhà nước tiếp tục đầu tư cho các khu vực phát triển đô thị khác theo đúng quy hoạch, chương trình và kế hoạch phát triển đô thị đã được duyệt.” – ông Chiến khuyến nghị.

Được biết, UBND TP Hà Nội vừa phát đi thông tin đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp để lập đề án xây dựng huyện Đông Anh lên quận vào năm 2020. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh không linh động bất cứ dự án nào đầu tư theo kiểu phong trào, không xuất phát từ nhu cầu và nguồn lực thực có của khu vực, dẫn đến lãng phí đất đai, mất cân đối cung cầu, thiếu kết nối hạ tầng nguy cơ phát triển không bền vững.

Theo định hướng Quy hoạch chung được duyệt, khu vực phía Bắc sông Hồng gồm: Khu vực Mê Linh – Đông Anh – Long Biên là địa bàn phát triển mới, hình thành các khu đô thị mới hiện đại và được xác định trong kế hoạch xây dựng đợt đầu của Thủ đô bởi lợi thế về vị trí, đất đai, cơ sở hạ tầng. Dự báo đến năm 2030, phía Bắc sông Hồng khoảng 1,7 triệu dân, Phía Nam sông Hồng ngưỡng 2,9 triệu dân. Trong đó có nội đô lịch sử (4 quận nội thành cũ xấp xỉ 80 vạn dân).

Nguồn: Kinhtedothi

Ngày 24/10, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức Hội nghị công bố quyết định số 2784/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ, tỷ lệ 1/500 thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.

Theo đó, tổng diện tích đất nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch khoảng 280ha, quy mô dân số khoảng 80.000 người. Phần điều chỉnh tổng thể quy hoạch khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ nằm trong điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và cụ thể hóa định hướng hạ tầng kỹ thuật tại Khu đô thị mới An Khánh (D3) và điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị S3, tỷ lệ 1/5.000.

Khu đô thị mới được hình thành sẽ gắn liền với tuyến đường sắt đô thị, giao thông công cộng và các đô thị trong khu vực, góp phần thực hiện kế hoạch giãn dân khu vực nội thành của TP.

Tổng mặt bằng sử dụng đất điều chỉnh được phân thành các chức năng: Đất dân dụng, bao gồm đất công cộng, cây xanh đô thị, trường học, bãi đỗ xe, giao thông đô thị, đất đơn vị ở; Đất công cộng TP được bố trí các chức năng: Thương mại, dịch vụ, văn hóa, Du lịch, Thể thao, Y tế, văn phòng, thư viện, tài chính - ngân hàng...; Đất cây xanh mặt nước; Đất mặt nước, hồ điều hòa; Đất giao thông đô thị; Đất đơn vị ở; Đất ở làng xóm đô thị hóa; Đất biệt thự, nhà cao tầng... Tầng cao cho phép tối đa là 39 tầng.

Cùng ngày, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng đã tổ chức công bố quyết định số 2639/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị S3, tỷ lệ 1/5.000 và Quy hoạch phân khu đô thị GS, tỷ lệ 1/5.000 thuộc địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Hà Đông và huyện Hoài Đức và quyết định số 4145/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ chi tiết khu đô thị Mễ Trì, tỷ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu TH phần quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất thuộc địa bàn phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.

Trên cơ sở quyết định được phê duyệt, UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch Kiến trúc kiểm tra, xác nhận hồ sơ bản vẽ đúng với quyết định được bàn hành. Phối hợp với UBND các quận huyện tổ chức công bố công khai quyết định này để các tổ chức, cơ quan và người dân được biết.

Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, quản lý, giám sát xây dựng theo đúng quy hoạch. Xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án để thực hiện đúng theo quyết định được phê duyệt.

Các Sở, ban ngành có liên quan có trách nhiệm giám sát, phối hợp với UBND cá quận, huyện thực hiện theo đúng quy định hiện hành của TP về quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng.

Nguồn: Kinhtedothi

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký ban hành Quyết định số 5722/QĐ-UBND về việc phê duyệt Điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại phần đất thành lập Cụm Công nghiệp làng nghề xã Dị Nậu và Cụm Công nghiệp làng nghề xã Chàng Sơn thuộc các ô quy hoạch ký hiệu E7 và E8 trong Quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất, tỷ lệ 1/10.000 tại xã Dị Nậu và xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất.

Quyết định nêu rõ, khu vực nghiên cứu điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây đựng huyện Thạch Thât tỷ lệ 1/10.000 tại ô quy hoạch ký hiệu E7 để đầu tư xây dựng, mở rộng Cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu có vị trí: Phía Tây giáp tuyến đường giao thông liên xã Hữu Băng - Dị Nậu và Cụm Công nghiệp làng nghề xã Dị Nậu; phía Đông Nam giáp khu nghĩa trang xã Hữu Bằng, các phía còn lại giáp đất nông nghiệp;

Khu vực nghiên cứu điêu chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất tỷ lệ 1/10.000 tại ô quy hoạch ký hiệu E8 để đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn - giai đoạn II có vị trí: Phía Bắc giáp đất nông nghiệp; phía Tây và Tây Nam giáp cụm công nghiệp Chàng Sơn và đường TL 419; phía Nam giáp xã Thạch Xá; phía Đông giáp đường trục phát triển kinh tế Bắc Nam.

Khu đất thuộc ô quy hoạch ký hiệu E7 xã Dị Nậu: Quy mô nghiên cứu lập diều chỉnh cục bộ quy hoạch khoảng 10,6ha. Quy mô điều chỉnh cục bộ quy hoạch khoảng 4,1ha. Khu đât thuộc ô quy hoạch ký hiệu E8 xã Chàng Sơn: Quy mô nghiên cứu lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch khoảng 26ha. Quy mô diều chỉnh cục bộ quy hoạch khoảng 11ha.

UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, xác nhận bản vẽ diều chỉnh cục bộ quy hoạch phù hợp vói quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch của UBND TP. Nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại ô đất nông nghiệp, đất cây xanh công viên thuộc ô quy hoạch ký hiệu E7 và E8 tại xã Dị Nậu, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất được cập nhật vào Quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất theo quy định.
Đồng thời, giao UBND huyện Thạch Thất chủ trì, phối họp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức công bố công khai quy hoạch điều chỉnh để các tổ chức, cơ quan có liên quan và nhân dân được biết. Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc xây đựng theo quy hoạch được phê duyệt, xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Thứ tư, 31 Tháng 10 2018 16:46

Quy hoạch Hà Nội tập trung hay phân tán?

Vòng luẩn quẩn không lối thoát

Nếu việc quy hoạch tập trung vào Hà Nội nhiều thứ sẽ tạo sức hút lớn, đồng nghĩa với gia  tăng  áp lực tập trung  dân cư, thiếu hụt  hạ tầng xã hội và kỹ thuật. Nếu nhà nước huy động tổng  lực để giải quyết thì lại tạo ra  một sự bất bình đẳng giữa các địa phương. Quy hoạch (QH) trình bày quan hệ vùng đã rõ ràng, nhưng mô tả trong địa giới vẫn lộ ra Hà Nội là trung tâm nhiều lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ…

Giả sử Hải Phòng là trung tâm công nghiệp nặng, khu chế xuất; Bắc Ninh là trung chuyển phân phối; Nam Định là trung tâm công nghiệp nhẹ, đào tạo dạy nghề… Khi các địa phương kèm chức năng  mới các  là “trung tâm”, sẽ giúp giảm quá trình dịch cư  mà không cần đến biện pháp hành chính.

Với 5 đô thị vệ tinh, nhằm chuyển những chức năng từ đô thị lõi ra các đô thị  vệ tinh, thay vì mạnh dạn chuyển hẳn cho các tỉnh khác, giải pháp đó vẫn chỉ là nửa vời. Liệu đô thị vệ tinh có đủ sức hút dân cư và các cơ sở  từ vùng lõi ra hay lại hút các vùng lân cận vào?

Hà Nội hãy chọn cho mình là trung tâm những lĩnh vực mà không nơi nào ngoài Hà Nội có, đó là chính trị, văn hóa, lịch sử, tri thức. Những chức năng khác nên mạnh dạn trao cho các địa phương khác…Đó là cách tạo điều kiện để các tỉnh khác có điều kiện bình đẳng để phát triển, và cũng chính là tạo điều kiện để Hà Nội có thể phát triển mà không bị sức ép quá mạnh do sức hút dân số gây ra.

Thiết lập những liên kết với những trung tâm phát triển ở những tỉnh, vùng xung quanh, giúp Hà Nội giảm bớt sức hút, giảm dân số, kéo theo giảm quá tải hạ tầng, giữ được môi trường tốt, dễ trở nên thành phố sống tốt.

Thế nhưng trong thực tế, Luật Cư trú và việc nhập cư quá dễ dàng khiến dân nhập cư ồ ạt vào Hà Nội. Nay chúng ta lại dự định Luật Thủ đô- dùng biện pháp hành chính hạn chế. Bản quy hoạch trình bầy phân bổ dân cư và ngành nghề cho thấy vòng luẩn quẩn này không lối thoát.

Đa ngành và đa chiều

Có ý kiến cho rẳng kiến trúc sư luôn cô đơn. Họ cô đơn vì họ độc chiếm, và độc diễn.

Ai cũng biết quy hoạch hiện đại là đa ngành. Quan điểm quy hoạch đã được Ngân hàng Thế giới đề xuất 3 tiêu chí: 1) Gắn kết chiến lược kinh tế xã hội, hợp nhất các bộ, các ngành. 2) Hợp nhất kế hoạch đầu tư đa ngành. 3) Quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng. Cả 3 quan điểm này chưa được áp dụng triệt để trong bản quy hoạch này.

Gắn kết chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, hợp nhất các bộ, ngành. Ngày nay, chiến lược kinh tế -xã hội không chỉ được xây dựng riêng cho từng địa phương mà phải có tính liên kết vùng, liên kết ngành.Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Hà Nội và của vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc đã được thể hiện như thế nào trong bản quy hoạch?

Hơn nữa, lãnh đạo của các địa phương trong vùng kinh tế đã tham gia trực tiếp vào bản quy hoạch như thế nào? Họ đã tư vấn, và quan trọng hơn là phản biện như thế nào? Theo quy trình công bố các bộ, ngành sẽ cho ý kiến ở giai đoạn gần  cuối cùng, còn các tỉnh sẽ giai đoạn nào?

Bản chất của quy hoạch là đa ngành, là tổng hợp. Trong bản quy hoạch triển lãm thấy rõ thiếu sự phối hợp đa ngành. Đơn cử trong quy hoạch mạng lưới y tế: Phân bố các bệnh viện như rắc vừng, đô thị vệ tinh nào cũng có. Nhưng không thể cùng một lúc xây dựng 5 vệ tinh cũng như các đường giao thông dẫn đến nó – vậy theo bán kính phục vụ sẽ thiếu hụt. Trong khi chiến lược của ngành y tế là phát triển, nâng cấp, mở rộng mạng lưới bệnh viện tuyến quận /huyện không được đề cập để  khoanh vùng phục vụ hay ưu tiên không gian, đất đai cho mở rộng cơ sở y tế cơ sở  tương ứng  với dân cư đô thị hoá.

Quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng. Cộng đồng được hiểu là toàn xã hội. tất cả những bên liên quan đến và chịu ảnh hưởng của quy hoạch, ở tất cả các khâu. Từ xây dựng quy hoạch đến khâu đi vào thực hiện, điều này có vẻ không  tưởng khi người xin ý kiến chưa thực lòng lắng nghe những ý kiến trái chiều.

Cơ quan trưng cầu ý kiến trả lời báo chí là “không bận tâm nhiều đến phê phán, chỉ trích“.. Ít hôm sau lại khẳng định “mong  nhận nhiều ý kiến của các đại biểu (của  nhân dân) để nâng cao chất lượng đồ án“.

Tại cuộc họp báo về triển lãm quy hoạch, đơn vị tổ chức cho biết: “Vị trí Trung tâm hành chính Quốc gia ( TTHCQG) và Trục Thăng Long là hai vấn đề đã được dư luận đặc biệt quan …Có không ít ý kiến từ phía chuyên gia chưa thực sự nhất trí với đồ án đưa ra.” Tuy vậy vẫn có ý kiến “không tiếp thu được nếu không mang lại lợi ích cho nhân dân Thủ đô. Chính phủ vẫn quyết tâm làm Trục Thăng Long. Để không gây khó khăn về mặt khoảng cách giữa những nơi, thì phải phát triển giao thông …” (*)

Nhưng Trục Thăng Long ra đời để dẫn đến địa điểm TTHCQG  mà 40 năm nữa mới dùng đến, vậy quyết tâm làm để làm gì và đã quyết tâm như vậy thì xin ý kiến để làm gì?

Việc quy hoạch nếu thiếu sự  kết hợp đa ngành, thiếu sự tham gia của xã  hội sẽ tạo ra sản phẩm khập khiễng, không có  được sự đồng thuận xã hội, khi đó việc khả thi sẽ là điều xa vời. Trước đây chúng ta đã từng có 4-5 bản quy hoạch Hà Nội không đi vào thực tế được một phần là vì những yếu tố này.

Chú thích :

  • Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả
  • (*) Trích dẫn các báo Dân Trí và VnExpress
  • Ảnh trong bài TG và ông Trịnh Đình Tiến – PV ảnh tạp chí Xưa và Nay cung cấp.

Phạm Quỳnh Hương, công tác tại phòng Xã hội học đô thị (Viện Xã hội học) / Tuần Việt Nam

ỨNG DỤNG TRÊN ANDROID

Hầu hết các điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android (SAMSUNG, SONY, HTC, BPHONE, OPPO, ...) trừ iPhone và iPad ;)
android.svg
google-play-badge.png

ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ

Trụ sở chính: T4 tòa nhà OceanPark, số 1 Đào Duy Anh, Quận Đống đa, Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: Số 37 phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Email: land@vietpalm.com

Trang Web: https://vietpalm.com

Điện thoại: 090.444.0044

 

 

THÔNG TIN TÀI KHOẢN

Ngân hàng Á Châu - ACB
Chủ tài khoản: CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ VIETPALM 
Số Tài Khoản: 10058088
Ngân hàng: Á Châu - ACB (chi nhánh Hà Nội)

(Lưu ý cần ghi chính xác, đầy đủ tên Công ty)
Ngân hàng TMCP Quân Đội

Bản quyền © 2003 - 2019 VietPalm Group.

Dữ liệu quy hoạch được cung cấp bởi VietPalm.Land - Giải pháp công nghệ được phát triển bởi VietPalm.Studio
Ghi rõ nguồn https://quyhoach.hanoi.vn khi phát hành lại thông tin và bản đồ từ Website này.

Please publish modules in offcanvas position.