TÍNH NĂNG
- Tra cứu Quy hoạch Hà Nội trực tiếp trên thiết bị di động, xác định vị trí hiện trạng qua GPS.
- Công cụ trực quan giúp so sánh giữa lớp dữ liệu nền hiện trạng và lớp dữ liệu quy hoạch.
- Bản đồ nền: Google (vệ tinh, giao thông), HERE maps (vệ tinh, giao thông), OpenStreeMaps.
DỮ LIỆU
GÓI DỊCH VỤ
CẬP NHẬT
Quy hoạch Chung

Quy hoạch Chung (5)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ Xây dựng chủ trì thẩm định đề xuất điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Cụ thể, trước đề nghị của UBND Hà Nội về điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định nội dung đề xuất của UBND Hà Nội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội có trách nhiệm cung cấp đầy đủ cho Bộ Xây dựng các hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung đề xuất điều chỉnh cục bộ nêu trên.

Trước đó vào tháng 4/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Thủ tướng, cần nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị hiện đại, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên; hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình thấp tầng góp phần giảm tải dân số trong khu vực nội đô lịch sử từ 1,26 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân. Đồng thời, Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại khu vực các xã: Xuân Canh, Mai Lâm, Đông Hội, huyện Đông Anh để đáp ứng yêu cầu xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia và khu vực phụ trợ như ý kiến của Bộ Xây dựng.

Vào tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh gồm:

Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường Vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên.

Khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2, là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành cổ … Khu Nội đô mở rộng giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ, là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại.

Khu mở rộng phía Nam sông Hồng từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4 gồm chuỗi các khu đô thị: Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì. Là khu vực phát triển dân cư mới đồng bộ và hiện đại, các trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, tài chính của vùng, quốc gia.

Khu mở rộng phía Bắc sông Hồng, Nam sông Cà Lồ, gồm 3 khu vực chính: Khu đô thị Long Biên - Gia Lâm - Yên Viên phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế… gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng các quốc lộ 5 và quốc lộ 1; Khu đô thị Đông Anh phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp và đầm Vân Trì, hình thành khu thể thao mới thành phố Hà Nội và Quốc Gia (phục vụ ASIAD), trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội (EXPO) và vui chơi giải trí của Thành phố; Khu đô thị Mê Linh - Đông Anh phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp sạch, kỹ thuật cao gắn với dịch vụ hàng không, sân bay Nội Bài, trung tâm trưng bày, hội chợ hoa và trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa và cây cảnh.

Khu vực hai bên Sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô. Khai thác, kế thừa Quy hoạch Cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội (đã được Thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu) tiếp tục nghiên cứu phát triển đồng bộ hai bên đoạn tuyến chảy qua Thành phố, ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan văn hóa - đô thị Hồ Tây - Cổ Loa. Trên dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây - Cổ Loa.

5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn có dân số từ xấp xỉ từ 21 vạn đến 75 vạn người/1 đô thị.

Mỗi đô thị vệ tinh sẽ có một hoặc nhiều nhân tố chính để tạo công ăn việc làm và có chức năng đặc thù riêng để hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo chất lượng cao, công nghiệp, dịch vụ… Trong đó Hòa Lạc là đô thị khoa học, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến nhất của Việt Nam, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và vùng. Sơn Tây là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cửa ngõ Tây Bắc thủ đô Hà Nội, là đô thị văn hóa lịch sử du lịch sinh thái, phát triển tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp sinh thái. Xuân Mai là đô thị đại học và dịch vụ cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội. Phú Xuyên là đô thị vệ tinh phía Nam của Thủ đô, phát triển công nghiệp, kho tàng, các dịch vụ trung chuyển, đầu mối phân phối, tiếp vận hàng hóa và Logistics phân phối nông sản vùng. Sóc Sơn là đô thị cửa ngõ phía Bắc Hà Nội, là đô thị công nghiệp, dịch vụ cảng hàng không Nội Bài gắn với bảo tồn khu vực núi Sóc.

CafeLand

Thứ tư, 31 Tháng 10 2018 16:46

Quy hoạch Hà Nội tập trung hay phân tán?

Vòng luẩn quẩn không lối thoát

Nếu việc quy hoạch tập trung vào Hà Nội nhiều thứ sẽ tạo sức hút lớn, đồng nghĩa với gia  tăng  áp lực tập trung  dân cư, thiếu hụt  hạ tầng xã hội và kỹ thuật. Nếu nhà nước huy động tổng  lực để giải quyết thì lại tạo ra  một sự bất bình đẳng giữa các địa phương. Quy hoạch (QH) trình bày quan hệ vùng đã rõ ràng, nhưng mô tả trong địa giới vẫn lộ ra Hà Nội là trung tâm nhiều lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ…

Giả sử Hải Phòng là trung tâm công nghiệp nặng, khu chế xuất; Bắc Ninh là trung chuyển phân phối; Nam Định là trung tâm công nghiệp nhẹ, đào tạo dạy nghề… Khi các địa phương kèm chức năng  mới các  là “trung tâm”, sẽ giúp giảm quá trình dịch cư  mà không cần đến biện pháp hành chính.

Với 5 đô thị vệ tinh, nhằm chuyển những chức năng từ đô thị lõi ra các đô thị  vệ tinh, thay vì mạnh dạn chuyển hẳn cho các tỉnh khác, giải pháp đó vẫn chỉ là nửa vời. Liệu đô thị vệ tinh có đủ sức hút dân cư và các cơ sở  từ vùng lõi ra hay lại hút các vùng lân cận vào?

Hà Nội hãy chọn cho mình là trung tâm những lĩnh vực mà không nơi nào ngoài Hà Nội có, đó là chính trị, văn hóa, lịch sử, tri thức. Những chức năng khác nên mạnh dạn trao cho các địa phương khác…Đó là cách tạo điều kiện để các tỉnh khác có điều kiện bình đẳng để phát triển, và cũng chính là tạo điều kiện để Hà Nội có thể phát triển mà không bị sức ép quá mạnh do sức hút dân số gây ra.

Thiết lập những liên kết với những trung tâm phát triển ở những tỉnh, vùng xung quanh, giúp Hà Nội giảm bớt sức hút, giảm dân số, kéo theo giảm quá tải hạ tầng, giữ được môi trường tốt, dễ trở nên thành phố sống tốt.

Thế nhưng trong thực tế, Luật Cư trú và việc nhập cư quá dễ dàng khiến dân nhập cư ồ ạt vào Hà Nội. Nay chúng ta lại dự định Luật Thủ đô- dùng biện pháp hành chính hạn chế. Bản quy hoạch trình bầy phân bổ dân cư và ngành nghề cho thấy vòng luẩn quẩn này không lối thoát.

Đa ngành và đa chiều

Có ý kiến cho rẳng kiến trúc sư luôn cô đơn. Họ cô đơn vì họ độc chiếm, và độc diễn.

Ai cũng biết quy hoạch hiện đại là đa ngành. Quan điểm quy hoạch đã được Ngân hàng Thế giới đề xuất 3 tiêu chí: 1) Gắn kết chiến lược kinh tế xã hội, hợp nhất các bộ, các ngành. 2) Hợp nhất kế hoạch đầu tư đa ngành. 3) Quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng. Cả 3 quan điểm này chưa được áp dụng triệt để trong bản quy hoạch này.

Gắn kết chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, hợp nhất các bộ, ngành. Ngày nay, chiến lược kinh tế -xã hội không chỉ được xây dựng riêng cho từng địa phương mà phải có tính liên kết vùng, liên kết ngành.Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Hà Nội và của vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc đã được thể hiện như thế nào trong bản quy hoạch?

Hơn nữa, lãnh đạo của các địa phương trong vùng kinh tế đã tham gia trực tiếp vào bản quy hoạch như thế nào? Họ đã tư vấn, và quan trọng hơn là phản biện như thế nào? Theo quy trình công bố các bộ, ngành sẽ cho ý kiến ở giai đoạn gần  cuối cùng, còn các tỉnh sẽ giai đoạn nào?

Bản chất của quy hoạch là đa ngành, là tổng hợp. Trong bản quy hoạch triển lãm thấy rõ thiếu sự phối hợp đa ngành. Đơn cử trong quy hoạch mạng lưới y tế: Phân bố các bệnh viện như rắc vừng, đô thị vệ tinh nào cũng có. Nhưng không thể cùng một lúc xây dựng 5 vệ tinh cũng như các đường giao thông dẫn đến nó – vậy theo bán kính phục vụ sẽ thiếu hụt. Trong khi chiến lược của ngành y tế là phát triển, nâng cấp, mở rộng mạng lưới bệnh viện tuyến quận /huyện không được đề cập để  khoanh vùng phục vụ hay ưu tiên không gian, đất đai cho mở rộng cơ sở y tế cơ sở  tương ứng  với dân cư đô thị hoá.

Quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng. Cộng đồng được hiểu là toàn xã hội. tất cả những bên liên quan đến và chịu ảnh hưởng của quy hoạch, ở tất cả các khâu. Từ xây dựng quy hoạch đến khâu đi vào thực hiện, điều này có vẻ không  tưởng khi người xin ý kiến chưa thực lòng lắng nghe những ý kiến trái chiều.

Cơ quan trưng cầu ý kiến trả lời báo chí là “không bận tâm nhiều đến phê phán, chỉ trích“.. Ít hôm sau lại khẳng định “mong  nhận nhiều ý kiến của các đại biểu (của  nhân dân) để nâng cao chất lượng đồ án“.

Tại cuộc họp báo về triển lãm quy hoạch, đơn vị tổ chức cho biết: “Vị trí Trung tâm hành chính Quốc gia ( TTHCQG) và Trục Thăng Long là hai vấn đề đã được dư luận đặc biệt quan …Có không ít ý kiến từ phía chuyên gia chưa thực sự nhất trí với đồ án đưa ra.” Tuy vậy vẫn có ý kiến “không tiếp thu được nếu không mang lại lợi ích cho nhân dân Thủ đô. Chính phủ vẫn quyết tâm làm Trục Thăng Long. Để không gây khó khăn về mặt khoảng cách giữa những nơi, thì phải phát triển giao thông …” (*)

Nhưng Trục Thăng Long ra đời để dẫn đến địa điểm TTHCQG  mà 40 năm nữa mới dùng đến, vậy quyết tâm làm để làm gì và đã quyết tâm như vậy thì xin ý kiến để làm gì?

Việc quy hoạch nếu thiếu sự  kết hợp đa ngành, thiếu sự tham gia của xã  hội sẽ tạo ra sản phẩm khập khiễng, không có  được sự đồng thuận xã hội, khi đó việc khả thi sẽ là điều xa vời. Trước đây chúng ta đã từng có 4-5 bản quy hoạch Hà Nội không đi vào thực tế được một phần là vì những yếu tố này.

Chú thích :

  • Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả
  • (*) Trích dẫn các báo Dân Trí và VnExpress
  • Ảnh trong bài TG và ông Trịnh Đình Tiến – PV ảnh tạp chí Xưa và Nay cung cấp.

Phạm Quỳnh Hương, công tác tại phòng Xã hội học đô thị (Viện Xã hội học) / Tuần Việt Nam

Rất mong các nhà quy hoạch quan tâm, lắng nghe ý kiến đóng góp và thực sự cầu thị để có một quy hoạch thủ đô, nhất là về hệ thống giao thông đô thị khoa học, mang tính thực tiễn, và khả thi.

Giao thông Hà Nội cũ chuẩn xác và khoa học

Hà Nội thời Pháp thuộc (Ảnh: sator.forum.com)

Hà Nội thời Pháp thuộc (Ảnh: sator.forum.com)

Nói đến quy hoạch một thủ đô trước hết phải nói đến mạng lưới giao thông đô thị, từ trung tâm đô thị nối liền với hệ thống giao thông quốc gia. Ở những đô thị nhỏ thì mạng lưới giao thông thường theo mạng bàn cờ. Những đô thị lớn hầu hết được tổ chức theo mạng xuyên tâm. Ở các quốc gia trên thế giới, những đô thị lớn như Moscow, Bắc Kinh, Tokyo…kết hợp mạng xuyên tâm với hệ thống các vành đai, hoặc thậm chí giữa các mạng xuyên tâm vành đai là các mạng bàn cờ xen vào.

Thành Đại La của chúng ta xây dựng vào năm 864-874 do Cao Biền thực hiện. Lý Thái Tổ và các vương triều nhà Lý hoàn thiện bổ sung nâng cao và dựng kinh thành Thăng Long bao gồm cả thành và kinh đô. Mãi đến năm 1886 thực dân Pháp đặt Hà Nội thành đất nhượng địa mới quy hoạch lại.

Quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc, hệ thống giao thông là những trục xuyên tâm gồm: Đường 1 chạy từ Hà Nội dọc theo đất nước về hai phía Bắc Nam. Phía Bắc lên đến mục Nam Quan, phía Nam chạy dọc miền Trung vào đến Sài Gòn rồi xuống Cà Mau. Đường số 2 chạy từ trung tâm Thủ đô về phía Tây Bắc qua Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Đường số 3 qua Thái Nguyên Bắc Cạn, Hà Giang. Đường số 5 từ trung tâm Hà Nội qua Hải Dương, Hải Phòng. Đường số 6 từ Hà Nội theo hướng Tây lên Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu nối với Lào.

Ngoài ra còn có một số tuyến đường như tuyến đường 11 nay là đường 32 bổ sung cho tuyến đường số 2 qua Sơn Tây, Phú Thọ, đường số 22 nay là Quốc lộ 21B từ Hà Đông đi Phủ Lý.

Ý nghĩa của những con đường này trước hết là tổ chức hệ thống giao thông làm hướng phát triển đô thị, nhưng đồng thời là huyết mạch để tổ chức hệ thống hành chính trong cả nước thông suốt từ các tỉnh đến trung ương. Là điều kiện nhằm khai thác những tài nguyên khoáng sản phục vụ chế độ thực dân và đàn áp các phong trào nổi dậy của nhân dân khi cần thiết. Phải nói hệ thống giao thông các trục xuyên tâm của thủ đô Hà Nội được xây dựng thời đó là chuẩn xác và khoa học.

Giao thông Hà Nội nay: Bất an?

Sau khi giành được độc lập, nhà nước ta đã không ngừng mở rộng nâng cấp hiện đại hoá các tuyến đường này nhằm phục vụ việc mở rộng các khu đô thị ngày càng đòi hỏi phát triển về quy mô, tính chất cho kịp với trào lưu chung.

Chúng ta còn mở thêm một số tuyến đường mới như: Đường 1 mới Pháp Vân- Cầu Giẽ; đặc biệt là tuyến đường Láng- Hoà Lạc. Những tuyến đường này hiện đại hơn, quy mô gấp nhiều lần so với trước góp phần cải thiện năng lực vận tải cũng như phục vụ cho việc mở rộng vùng đô thị mới.

Hệ thống đường vành đai: Thời Pháp hệ thống vành đai số 1 nối năm cửa ô, vành đai số 2 là đường từ Ngã Tư Sở đi về hai chiều Láng và Chợ Mơ. Vành đai này thực chất chưa hoàn chỉnh.

Quy hoạch mới thấy xuất hiện một tuyến đường trục xuyên tâm, điểm đầu Hoàng Quốc Việt qua ngã tư Phạm Văn Đồng nối với đường 21 (đường Cu Ba). Tuyến đường này dài 30 km đúng bằng đường dài Láng- Hoà Lạc. Con đường này được đặt tên là trục Thăng Long, có người còn gọi là trục tâm linh hướng chính Đông- Tây. Đầu tư tuyến đường vào khoảng trên 100 nghìn tỷ đồng.

Một câu hỏi đặt ra: Có nên xuất hiện trục đường này hay không và nếu có thì nên ở quy mô nào?

Trục đường theo hướng chính Đông – Tây làm cho giao thông cực kỳ bất an. Buổi sáng, các phương tiện đi từ Tây sang Đông, buổi chiều từ Đông sang Tây, lúc nào lái xe cũng đối mặt với hướng mặt trời gây mỏi mệt bức xúc về thần kinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ rất dễ dẫn đến tai nạn.

Hơn nữa trục đường này điểm mở đầu là đường Đê La Thành, điểm kết thúc là đường Cu Ba. Dọc trục Thăng Long không thấy một nội dung mang ý nghĩa lịch sử văn hoá kinh tế, chính trị và khu đô thị nào thì vấn đề đặt ra là có nhất thiết phải xây dựng tuyến trục đường này hay không?

Trục đường Láng- Hoà Lạc đang được khẩn trương xây dựng có quy mô hiện đại vào bậc nhất Đông Nam Á thì có nhất thiết phải làm một trục đường khác với quy mô lớn hơn và hiện đại hơn không. Tuyến trục đường Láng- Hoà Lạc nối từ hồ Tây qua đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng đến ngã tư Hoà Lạc, rồi làng văn hoá các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô và núi Ba Vì. Trục đường này đi qua các trung tâm văn hoá, Trung tâm Hội nghị Quốc Gia như vậy đã quá đủ về mặt ý nghĩa của nó rồi.

Còn nếu muốn quy hoạch trục đường từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường 21 thì chỉ nên ở quy mô vừa phải như tuyến đường 32 hiện nay mà thôi và cũng chưa nên xây dựng trong thời gian trước mắt, trong khi ta đang phải tập trung vốn để phải làm nhiều việc cấp bách hơn. Việc đầu tư quá lớn đều dựa vào nguồn vốn đi vay của nước ngoài rất đáng lo ngại. Bây giờ đi vay thì mai này sẽ phải trả nợ, gây thêm khó khăn cho nền kinh tế đất nước.

Hệ thống đường vành đai hiện nay đang dần được hoàn thiện: Đường vành đai 1, vành đai 3 và chuẩn bị tập trung xây dựng vành đai 4. Vấn đề đặt ra quy hoạch vành đai 5 là hết sức cần thiết. Cự ly các vành đai này không cách xa nhau là mấy, vậy tại sao lại đặt vấn đề quy hoạch vành đai 4,5?

Vành đai 4,5 có tên là trục kinh tế Bắc- Nam. Nếu xây dựng tuyến vành đai này sẽ mất hàng nghìn ha ruộng lúa hai vụ mà chỉ để tạo nên một con đường phục vụ cho một số cụm đô thị lẻ tẻ mang tên là trục Xanh sinh thái thì không đáng lãng phí đất đai như vậy.

Đây là tuyến đường chưa được nghiên cứu kỹ, nó chỉ phục vụ mục đích lấy đất canh tác làm đô thị. Rồi đây khi chưa ra đời tuyến đường này nếu cung cách quản lý vẫn như hiện tại, rồi nhà cửa lại mọc lên một cách lộn xộn như đã xảy ra ở nhiều tuyến đường khác thì chỉ lợi bất cập hại.

Kế hoạch 1 cần giải pháp 10

Việc lấy quá nhiều đất canh tác sẽ ảnh hưởng đến chính sách an ninh lương thực của đất nước, đòi hỏi những người làm công tác quy hoạch cần lưu ý. Rồi vấn đề chính sách nông thôn, nông nghiệp và nông dân có còn ý nghĩa gì với người nông dân nơi tuyến đường đi qua khi họ không còn ruộng đất để canh tác, không còn nghề để sống. Cuộc sống của họ sẽ ra sao?

Nếu vì ý nghĩa vùng sinh thái Xanh cần thiết cho một thủ đô kết hợp với du lịch sinh thái, thì tại sao không sử dụng 2 bên triền sông Nhuệ và sông Đáy sẽ thực tế hơn và lợi ích lớn lao hơn.

Quy hoạch vùng nội đô bên trong vành đai 4 gồm các khu đô thị Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Dương Nội, Văn Phú, Thanh Hà, Gia Lâm, Mê Linh tạo ra một đô thị cân đối hoàn chỉnh về tất cả các phương là phương án thực tế và khả thi.

Vấn đề môi trường hiện nay được coi là một vấn nạn. Sự ô nhiễm của tất cả hệ thống sông ngòi, ao hồ xem ra vô phương cứu chữa. Trong định hướng quy hoạch vẫn chỉ thấy những khẩu hiệu, thực tế hình như chúng ta đã quen “nói rồi để đấy”.

Sự ngán ngẩm của người dân về nạn ô nhiễm tồn tại quá nhiều năm, bởi tình trạng ô nhiễm luôn dẫm chân tại chỗ. Con sông Đáy trở thành con sông kiệt cạn dòng chảy từ lâu, sông Nhuệ, sông Tô Lịch đang là dòng sông đen đầy mùi xú uế, đâu còn mộng mơ như chính tên của nó nữa.

Chúng ta mơ về một thủ đô to đẹp và xanh sạch hơn. Nhưng kế hoạch 1, cần phải có giải pháp 10 mới thành công được.

Rất mong các nhà quy hoạch quan tâm, lắng nghe ý kiến đóng góp và thực sự cầu thị để có một quy hoạch thủ đô, nhất là về hệ thống giao thông đô thị khoa học, mang tính thực tiễn, và khả thi. Đó cũng là việc kế thừa và tôn vinh công lao tổ tiên khi chọn đất Thăng Long định đô. Để thủ đô đất Việt xứng tầm văn minh, hiện đại, đẹp, sạch, xanh, và không thua kém thủ đô các nước trên thế giới.

Tác giả: KTS Nguyễn Địch Long / Tuần Việt Nam

Theo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), “Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” của liên danh tư vấn nước ngoài PPJ thiếu tính khả thi, có thể gây những hậu quả không đáng có.

Ngày 7/9, VUSTA đã có văn bản chính thức gửi Văn phòng Trung ương Đảng nêu ý kiến của cơ quan này đối với “Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo đó, văn bản đưa ra 9 vấn đề cần cân nhắc, đồng thời đề nghị VUSTA được “vào cuộc” để tham gia làm một trong các bên của Việt Nam phản biện độc lập cho Đồ án (thay vì chỉ có hai cơ quan phản biện nước ngoài như hiện nay).

Theo VUSTA, đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 là một công trình lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực… song lại được lập trong trong thời gian quá ngắn. Vì thế, việc thực hiện đồ án này có thể gây nhiều bất ổn xã hội liên quan đến đất đai, sinh kế, các dự án đã định hình, môi trường tự nhiên và xã hội, văn hoá, tín ngưỡng…. Nếu không có các định hướng giải pháp phù hợp, đồ án này không những không đáp ứng được lợi ích đáng có mà còn đi ngược lại lợi ích hợp lý của cộng đồng.

Văn bản này của VUSTA cũng nhận định: Đồ án được lập thiếu các căn cứ, khoa học từ các dự báo phát triển kinh tế, về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đến dự báo phát triển lĩnh vực xã hội về phát triển dân số, giáo dục, y tế, thể thao… Từ đó dẫn đến định hướng phát triển, quy mô, tính chất về các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội… thiếu tính thuyết phục, thiếu khả thi và không có tính bền vững.

VUSTA cũng nhấn mạnh: Ba Vì là khu sinh thái lớn, lá phổi quý báu của Hà Nội, có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, vì vậy cần phải gìn giữ, bảo vệ. Không nên dành quỹ đất ở đây cho việc xây dựng.

Theo các nhà khoa học thuộc VUSTA, trên cơ sở nghiên cứu chỉnh trang đồng bộ, điều chỉnh quy hoạch đã có để khu vực hồ Gươm xứng đáng là khu trung tâm hành chính, chính trị và lễ hội của thành phố. Một số Sở khác cải tạo nâng cấp, số còn lại xây mới tại khu vực đô thị mới Tây Hồ Tây. Khu Tây Hồ Tây là yếu địa quốc gia cần được quản lý chặt chẽ, kế thừa ưu điểm của các đồ án quy hoạch đã nghiên cứu tránh tình trạng giao trắng cho người nước ngoài tự quyết các chức năng nhiệm vụ vì bất cứ lý do gì…

Trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, VUSTA kiến nghị: Chưa thông qua “Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050”; cần hoàn chỉnh, bổ sung lấy ý kiến thống nhất để trình duyệt. Đồng thời khi có đồ án chính thức đề nghị giao cho VUSTA tham gia làm một trong các bên của Việt Nam phản biện độc lập.

9 điểm cần cân nhắc trong đồ án Quy hoạch chung Hà Nội:

1. Tầm quan trọng của Đồ án đối với tính ổn định xã hội;
2. Sự phù hợp của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô;
3. Trung tâm Hành chính Quốc gia và Trung tâm hành chính của TP Hà Nội;
4. Định hướng phát triển nhà ở;
5. Định hướng phát triển công nghiệp;
6. Định hướng phát triển giao thông;
7.Những vấn đề liên quan đến việc xây dựng lối sống và văn minh đô thị;
8. Những vấn đề liên quan đến môi trường;
9. Quản lý đô thị

Thứ tư, 31 Tháng 10 2018 16:40

Quy hoạch Hà Nội: Tìm lại không gian xanh

Quy hoạch vẫn đang là vấn đề “nóng” của Hà Nội trên đường phát triển, đặc biệt trong năm Tân Mão này. Trong quy hoạch, quản lý đô thị còn nhiều việc phải bàn, phải làm… tuy nhiên không gian xanh đã trở lại với Hà Nội như một điểm nhấn của Thủ đô trong tương lai và ý tưởng về thành phố bên sông tiếp tục thu hút các nhà quy hoạch.

Sự trở lại của màu xanh

Lật giở những tấm bản đồ cũ về Hà Nội được lưu giữ từ năm 1873 đến năm 1888, dù mang tính ước lệ, nhưng vẫn có thể thấy một kinh kỳ “xanh” với nhiều đầm lầy, ao hồ, mạng lưới sông ngòi dày đặc. Nhiều làng cổ nằm sát phố. Nếu đối chiếu với những gì còn lại ngày nay, có thể thấy 90% ao hồ, mặt nước đã không còn nữa.

Từ năm 1899, cùng với sự du nhập đô thị khi người Pháp đặt chân đến đây, Thành cổ dần dần biến mất. Thay vào đó là những khu phố kiểu bàn cờ, dấu ấn của phong cách quy hoạch phương Tây. Sự chuyển dịch lớn có thể thấy rõ ở khu vực phía Nam hồ Hoàn Kiếm với những con đường lớn được hình thành. Trên nền vùng đầm lầy, mạng lưới đường sắt, nhà ga được xây dựng mà đặc biệt là sự xuất hiện của cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Từ năm 1918 trở đi, qua các tấm bản đồ được lưu giữ, có thể thấy Hà Nội đã có một mạng lưới đường phố chia thành 8 khu. Phần lớn công trình được xây dựng nối Thành cổ với sông Hồng. Đồng thời, Hà Nội đã mở rộng đáng kể đến phía Nam hồ Bảy Mẫu. Hồ Hoàn Kiếm trở thành trung tâm của đô thị và là ranh giới giữa khu phố cổ với những con phố nhỏ ngoằn nghèo và khu phố kiểu Pháp với những con phố ngăn nắp kiểu bàn cờ. Tốc độ đô thị hóa thời kỳ này cũng chưa đủ để lấy hết màu xanh của Hà Nội. Khi hòa bình lập lại, Hà Nội vẫn tự hào là thành phố xanh, thành phố của cây và mặt nước. Từ chỗ chỉ có một số vườn hoa nhỏ và Công viên Bách thảo, Hà Nội xây dựng thêm các Công viên Thống nhất, Thủ lệ, Tuổi trẻ, Nghĩa Tân…

Màu xanh của cây, của mặt nước mất nhanh nhất vào giai đoạn phát triển ồ ạt gần đây. Trong quy hoạch năm 1998, chỉ tiêu cây xanh nội thành tính trên đầu người là 7m2, dự kiến chỉ tiêu này tăng lên 16m2 vào năm 2020. Song số liệu nghiên cứu cho thấy chỉ tiêu công viên trong khu vực nội thành chỉ còn 0,9m2/người. Trong khi các quận trung tâm không đủ điều kiện bố trí công viên thì những quận mới phát triển cũng không có công viên trong đồ án quy hoạch chi tiết. Nhiều nơi có cảnh quan đẹp không được quy hoạch thành công viên mà lại bố trí xây dựng khu đô thị mới. Công viên văn hóa, nghỉ ngơi hồ Tây, đã từng được nghiên cứu năm 1981, không còn được đề cập trong quy hoạch năm 1998. Tốc độ đô thị hóa nhanh cũng khiến nhiều làng thành phố, hồ ao, đồng ruộng nhường chỗ cho nhà cao tầng.

Không gian xanh xung quanh hồ Hoàn Kiếm như một điểm nhấn của Thủ đô (Ảnh: Phương An)

Ngày nay, Hà Nội đã phát triển tới hơn 3.300km2. Không gian xanh được đặt ra thành điểm nhấn cho một đô thị đặc biệt, được xác định là trung tâm chính trị – hành chính của quốc gia; là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học quan trọng của cả nước. Không gian xanh của thành phố xanh chiếm tới 70% diện tích đất tự nhiên là toàn bộ khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, hệ thống sông, hồ, làng truyền thống và vùng đồi núi bảo tồn thiên nhiên Ba Vì, Sóc Sơn, Hương Tích. Vành đai xanh được hình thành dọc sông Nhuệ và sông Tô Lịch tạo vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô với chuỗi đô thị mới dọc tuyến đường Vành đai 4. Đây sẽ là không gian mở kết hợp vui chơi, giải trí với bảo tồn vùng nông nghiệp sinh thái, cây ăn quả. Riêng hệ thống cây xanh đô thị sẽ chiếm tỷ lệ đáng kể trong 30% diện tích đất tự nhiên toàn thành phố dành cho phát triển đô thị nhằm nâng chỉ tiêu cây xanh lên 10-15m2. Theo nhiều chuyên gia quy hoạch, với khái niệm không gian xanh gồm cả ruộng lúa, đất nông nghiệp, rừng, mặt nước, công viên… tiềm năng xanh của Hà Nội là rất lớn, song mục tiêu khai thác và sử dụng lại khác nhau. Vì thế đáng quan tâm hơn cả vẫn là hệ thống công viên của thành phố, nơi có tác động mạnh nhất, gần nhất tới cảnh quan môi trường sống của người dân đô thị.

Tương lai thành phố bên sông

Cách đây chưa lâu, nội thành Hà Nội vẫn gói trong khu vực Nam sông Hồng. Qua cầu Chương Dương, Long Biên sang bờ Bắc, là sang địa giới huyện Gia Lâm, là ra ngoại thành Hà Nội. Vì thế, sông Hồng chưa được đánh giá đủ giá trị cảnh quan đối với một đô thị. Hay nói cách khác, Hà Nội đã “quay lưng” về phía sông Hồng. Thế “quay lưng” này càng được thấy rõ khi đô thị hóa tiến sang bờ Bắc sông Hồng.

Hồ Tây - Cổ Loa sẽ là trục cảnh quan của thành phố trong tương lai (Ảnh: Thu Giang)

Trước khi mở rộng địa giới hành chính, TP Hà Nội đã nghiên cứu đồ án quy hoạch phát triển thành phố hai bên sông Hồng. Đây là bước ý tưởng để từ đó hình thành quy hoạch và hệ thống các dự án. Quy hoạch cơ bản bao gồm 3 quy hoạch chính là thoát lũ, đê điều và xây dựng, trong đó trị thủy là yếu tố hàng đầu. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, quy hoạch hai bên sông Hồng tiếp tục được lồng ghép trong quy hoạch chung xây dựng Hà Nội. Về định hướng tổ chức không gian, đô thị trung tâm sẽ phát triển hai bên sông Hồng và lấy sông Hồng kết hợp trục không gian hồ Tây – Cổ Loa làm trục cảnh quan chính của thành phố – cũng chính là sự kết hợp, lồng ghép đồ án quy hoạch này vào đồ án quy hoạch chung xây dựng Hà Nội. Dọc hành lang sông Hồng sẽ ưu tiên phát triển hệ thống công viên sinh thái, các tiện ích công cộng kết nối liên tục tới không gian mặt nước, không xây dựng công trình cao tầng quy mô lớn ảnh hưởng trục không gian hồ Tây – Cổ Loa và tăng dân số khu vực; bảo đảm an toàn thoát lũ, ổn định đời sống nhân dân; sử dụng sông Hồng như tuyến giao thông hàng hóa đường thủy và du lịch.

Tại các cuộc hội thảo khoa học về thành phố hai bên sông Hồng, nhiều nhà khoa học cho rằng, việc xây dựng thành phố hai bên sông, sử dụng công viên, cây xanh, mặt nước làm chủ đạo là ý tưởng hay, nhất là trong bối cảnh Hà Nội thiếu chỗ vui chơi, giải trí, hai bên bờ sông bị “tổn thương”, bị lấn chiếm cả về đất đai và môi trường. Trong khi đồ án quy hoạch vẫn chỉ là ý tưởng, hai bên sông Hồng tiếp tục phát triển tự phát, số lượng dân cư không ngừng tăng trong điều kiện không bảo đảm an toàn. Nguy cơ chỉ vài năm nữa, nếu không có phương án quản lý, bãi sông Hồng sẽ bị lấn chiếm và việc triển khai quy hoạch hay dự án sẽ hết sức khó khăn.

ỨNG DỤNG TRÊN ANDROID

Hầu hết các điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android (SAMSUNG, SONY, HTC, BPHONE, OPPO, ...) trừ iPhone và iPad ;)
android.svg
google-play-badge.png

ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ

Trụ sở chính: T4 tòa nhà OceanPark, số 1 Đào Duy Anh, Quận Đống đa, Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: Số 37 phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Email: land@vietpalm.com

Trang Web: https://vietpalm.com

Điện thoại: 090.444.0044

 

 

THÔNG TIN TÀI KHOẢN

Ngân hàng Á Châu - ACB
Chủ tài khoản: CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ VIETPALM 
Số Tài Khoản: 10058088
Ngân hàng: Á Châu - ACB (chi nhánh Hà Nội)

(Lưu ý cần ghi chính xác, đầy đủ tên Công ty)
Ngân hàng TMCP Quân Đội

Bản quyền © 2003 - 2019 VietPalm Group.

Dữ liệu quy hoạch được cung cấp bởi VietPalm.Land - Giải pháp công nghệ được phát triển bởi VietPalm.Studio
Ghi rõ nguồn https://quyhoach.hanoi.vn khi phát hành lại thông tin và bản đồ từ Website này.

Please publish modules in offcanvas position.